Ung thư thanh quản là bệnh mà các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong mô thanh quản, chiếm 2% trong các căn bệnh ung thư ở nước ta. Bệnh này chủ yếu thường gặp ở nam giới, chiếm trên 90%; ở độ tuổi 50 – 70 chiếm 72%, từ 40 – 50 tuổi chiếm 12%. Song hiện nay độ tuổi mắc bệnh ngày càng được trẻ hóa và phụ nữ cũng mắc bệnh ung thư thanh quản nhiều hơn.

I.PHÂN LOẠI UNG THƯ THANH QUẢN
Ung thư thanh quản được phân loại theo vị trí khối u. Thanh quản được chia làm 3 tầng là thượng thanh môn, thanh môn và hạ thanh môn.
1.Ung thư thượng thanh môn
Chiếm khoảng 35% các trường hợp ung thư thanh quản. Ung thư thượng thanh môn thường xuất phát ở băng thanh thất hoặc mặt dưới của sụn nắp thanh thiệt.
2.Ung thư thanh môn
Thanh môn là khu vực chứa các dây thanh âm. Phần lớn các bệnh ung thư thanh quản đều bắt đầu từ đây, khoảng 60%. Loại ung thư này tiến triển khá chậm. Nếu tế bào ác tính nằm ở biểu mô dây thanh thì thường khu trú ở một bên trong thời gian khá dài rồi mới lan sang dây thanh còn lại.
3.Ung thư hạ thanh môn
Ung thư hạ thanh môn là loại ung thư tương đối hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 5% trong tất cả các trường hợp ung thư thanh quản. Chẩn đoán bằng phương pháp soi gián tiếp rất khó quan sát, bệnh nhân được phát hiện qua nội soi thanh quản trực tiếp bằng ống cứng hoặc ống nội soi mềm.
II.NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY UNG THƯ THANH QUẢN
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến ung thư thanh quản vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
-Hút thuốc lá và uống rượu: yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư thanh quản là thuốc lá và rượu. Nếu người bệnh vừa hút thuốc lá và uống rượu thì nguy cơ mắc bệnh tăng lên nhiều lần.

-Một số viêm thanh quản mạn tính như bạch sản, hồng sản dây thanh cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao, tỷ lệ chuyển thành ác tính từ 10 – 40%.
-Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ ung thư thanh quản khác như trào ngược dạ dày, thoát vị thanh quản, u nhú thanh quản, làm việc trong môi trường tiếp xúc với chất phóng xạ.
III. TRIỆU CHỨNG UNG THƯ THANH QUẢN
Triệu chứng ung thư thanh quản phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u.
1.Triệu chứng cơ năng:
-Khàn tiếng: là triệu chứng sớm và chủ yếu của ung thư thanh quản, biểu hiện giọng khan, kéo dài và tăng dần, dùng thuốc không đỡ.
-Ho khan thời gian đầu, về sau người bệnh có thể ho có đàm lẫn máu.
-Khó chịu trong họng, cảm giác như có dị vật mắc trong họng.
-Rối loạn nuốt: khi khối u lan ra ngoài thanh quản đến hạ họng, ngưới bệnh có thể nuốt nghẹn, vướng, đau.
-Khó thở thanh quản: xảy ra ở những trường hợp người bệnh đến muộn, khối u che lấp thanh quản.
-Sút cân không rõ nguyên nhân kèm theo những bất thường nói trên là bằng chứng rõ ràng cho bệnh ung thư thanh quản.
2.Triệu chứng thực thể:
-Bên cạnh các triệu chứng cơ năng, người bệnh đi khám vì có nổi hạch vùng cổ. Bác sĩ thăm khám cần phải đánh giá vị trí, số lượng, độ chắc và sự di động của hạch cổ, có thể cho bệnh nhân làm xét nghiệm chọc hạch để biết rõ có phải hạch di căn hay không.
-Nội soi thanh quản: thường là bước tiến hành đầu tiên khi người bệnh đến khám có một trong những triệu chứng cơ năng kể trên, giúp bác sĩ hướng đến hoặc loại trừ ung thư thanh quản. Trong quá trình nội soi thanh quản, người bác sĩ có thể sơ bộ phân biệt tổn thương ung thư thanh quản với lao thanh quản hoặc các khối u lành tính ở thanh quản như papilloma, polyp, hạt xơ …
-Chụp X-quang phổi hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: nhằm đánh giá ung thư di căn phổi.
-Chụp CT scan và MRI có tiêm thuốc cho phép đánh giá sự lan của khối u, đặc biệt ở các vị trí mép trước dây thanh, hạ thanh môn, các khoang của thanh quản như khoang giáp móng thanh thiệt, khoang cạnh thanh môn, sự lan của khối u đên hạ thanh môn, sụn giáp, sụn nhẫn. Bên cạnh đó, CT scan, MRI giúp đánh giá tình trạng hạch cổ.
-Siêu âm vùng cổ: giúp phát hiện hạch cổ mà không thấy trên lâm sàng.
-PET CT scan: nhằm phát hiện các ổ di căn, phân biệt tái phát với các tổn thương hoại tử sụn do tia hoặc các di chứng trong quá trình điều trị, hoặc phát hiện các ổ ung thư thứ hai…
IV. CÁC GIAI ĐOẠN UNG THƯ THANH QUẢN:
Ung thư thanh quản được phân chia giai đoạn như sau:
1.Giai đoạn 0: Ở giai đoạn này thì các tế bào ung thư chỉ được tìm thấy tại thanh quản và chưa lây sang các bộ phận khác. Nếu phát hiện ở giai đoạn này bệnh có thể điều trị thành công, nếu không được phát hiện sớm và điều trị thì chúng sẽ phát triển thành ung thư và lan rộng sang các mô bình thường.
2.Giai đoạn 1: Lúc này khối u đã hình thành và cũng chỉ mới ở thanh quản chưa lây sang các cơ quan khác. Khối u ở vùng của thượng thanh môn, hoặc thanh môn, hạ thanh môn và dây thanh quản thường vẫn đi động bình thường.
3.Giai đoạn 2: Khối u vẫn chỉ ở thanh quản nhưng đã có sự thay đổi ở các vị trí của khối u, lúc này dây thanh có thể không di động được nữa.
4.Giai đoạn 3: Lúc này khối u đã lan rộng ngoài thanh quản.
·Thượng thanh môn: Ở giai đoạn này thì khối u ở thanh quản hoặc ở mô kế thanh quản, hai dây thanh di động không bình thường, khối u lúc này có thể lan vào hạch bạch huyết ở cùng bên cổ từ chỗ xuất phát u và hạch lớn hơn 3cm.
·Thanh môn: Khối u chỉ ở thanh quản và hai dây thanh không di động bình thường. Khối u có thể lan vào hạch ở cùng bên cổ với khối u xuất phát và hạch có kích thước nhỏ hơn 3cm.
·Hạ thanh môn: Lúc này khối u chỉ thấy ở thanh quản, 2 dây thanh không di động bình thường, khối u có thể lan sang hạch bạch huyết ở cùng bên cổ với chỗ phát khối u và hạch có kích thước nhỏ hơn 3.
5.Giai đoạn 4: lúc này các khối u đã bắt đầu xâm lấn sang các cơ quan khác, xuất hiện hạch lan rộng và với kích thước to hơn.

Phẫu thuật cắt thanh quản tại Bệnh viện Đà Nẵng
V.UNG THƯ THANH QUẢN NÊN ĂN GÌ VÀ KIÊNG GÌ?
Chế độ ăn uống phù hợp có vai trò quan trọng đối với người bệnh. Bệnh nhân ung thư thanh quản thương cảm thấy đau khi nuốt, ăn không ngon miệng do ảnh hưởng của khối u ác tính lẫn tác dụng phụ của các phương pháp điều trị. Vì vậy, nguyên tắc xây dựng thực đơn dinh dưỡng cần đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng.
1.Một số thực phẩm người bệnh ung thư thanh quản nên bổ sung gồm:
-Thực phẩm giàu protein: đậu nành, trứng, cá, thịt gia cầm bỏ da, thịt bò than, bào ngư …
-Trái cây, rau củ: bơ, chuối, thanh long, bí xanh, bí đỏ, su hào, khoai sọ, khoai lang, rau dền, súp lơ xanh … là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
-Bệnh nhân ung thư thanh quản cần bổ sung chất béo từ nguồn thực vật như dầu thực vật, bơ, kem, sữa chua. Không nên cho bệnh nhân ăn nhiều mỡ động vật.
2.Người bệnh ung thư thanh quản nên kiêng ăn gì?
-Đồ ăn cay nóng: tiêu, ớt, mù tạt …
-Thực phẩm cứng, giòn: ngũ cốc giòn, bánh quy giòn, các loại hạt ( hạt dưa, hạt hướng dương …)
-Thực phẩm chế biến sẵn: chứa chất bảo quản, chống mốc, tạo màu, tạo mùi, đường hóa học không tốt cho người bệnh ung thư thanh quản.
-Đồ ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ.
VI.CÁCH PHÒNG NGỪA UNG THƯ THANH QUẢN:
1.Bỏ thuốc lá và không sử dụng các sản phẩm thuốc lá không khói khác.
2.Hạn chế tối đa việc tiêu thụ rượu và các thức uống chứa cồn.
3.Sử dụng thiết bị an toàn khi thường xuyên phải tiếp xúc với amiăng hoặc các chất độc hại khác.
4.Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống có nhiều trái cây tươi và rau quả như cà chua, cam quýt, bưởi, chanh, dầu ô liu, dầu cá … có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản.

Phẫu thuật cắt thanh quản tại Bệnh viện Đà Nẵng

Bệnh nhân tái khám sau phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần
.jpg)
Sau mổ cắt thanh quản bán phần 2 tuần
Sau mổ cắt thanh quản toàn phần 5 năm
BSCKII. Hồ Xuân Trung- Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Đà Nẵng.