BỆNH VIỆN ĐÀ NẴNG PHẪU THUẬT THÀNH CÔNG KHỐI U TUYẾN GIÁP KHỔNG LỒ

(14/04/2023)
      Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực - bệnh viện Đà Nẵng vừa phẫu thuật thành công khối u tuyến giáp khổng lồ với kích thước khoảng 20 x 15 x 20 cm, nặng 1,5kg
     Bệnh nhân H Bak A (69 tuổi, ngụ tại huyện Krông pắc, tỉnh Đăklăk) nhập bệnh viện Đà Nẵng trong trong tình trạng khó thở, kịch phát về đêm, không nằm ngửa được, phải thường xuyên ngủ ngồi, hạn chế về hoạt động thể lực. Bệnh nhân có tiền sử bệnh bướu giáp > 10 năm, tăng huyết áp, suy tim. Nay nhập khoa Ngoại lồng ngực - Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị phẫu thuật.
     Qua đánh giá trên phim chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực nhận thấy bướu giáp lớn chèn ép khí quản, thực quản và các mạch máu lớn vùng cổ, kích thước lớn khoảng 20 x 15 x 20 cm, khối này lan từ vùng góc hàm, lan xuống trung thất trước, chèn ép các cấu trúc lân cận (mạch máu, khí quản, thực quản…
     Sau 2 tiếng đồng hồ, với sự phối hợp các chuyên khoa nhịp nhàng từ ekip gây mê, đến các bác sĩ phẫu thuật khoa Ngoại lồng ngực và bác sĩ Nội tim mạch, các bác sĩ đã bóc tách trọn khối u nặng 1,5kg mà không thương tổn các vùng lân cận và không để lại biến chứng gì
Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, tự thở đều, không còn tình trạng khó thở thanh quản, đang trong quá trình hồi phục sau mổ, và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
     Theo BSCKII Thân Trọng Vũ, trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Bệnh viện Đà Nẵng, phẫu thuật viên chính của kíp mổ cho biết: “Đây là trường hợp phức tạp, khó khăn bởi khối u tuyến giáp có kích thước lớn, chèn ép mạch máu lớn, khí quản, thực quản. Nguy cơ chảy máu, tổn thương dây thần kinh thanh quản, tuyến cận giáp, suy hô hấp sau mổ rất cao. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có bệnh lý cơ tim giãn, suy tim nên tiên lượng rất nặng. Các bác sĩ phải làm sao để đảm bảo lấy trọn khối u mà không gây vỡ u, đảm bảo an toàn tránh các biến chứng cho bệnh nhân”.
     “Phẫu thuật cắt tuyến giáp là phẫu thuật không phức tạp. Tuy nhiên,  nếu bệnh nhân để bệnh diễn biến lâu, khối u tăng trưởng kích thước lớn hoặc thòng xuống trung thất gây chèn ép, khó thở, khó nuốt. Vì vậy bệnh nhân có các khối u ở vùng cổ di động theo nhịp nuốt, vòng cổ lớn, hoặc có biểu hiện chèn ép như đau tức vùng cổ, khó thở, khó nuốt hay khàn tiếng… nên đến khám tại các cơ sở y tế để tiến hành kiểm tra để phát hiện sớm và điều trị phẫu thuật nhằm hạn chế tai biến và biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra” bác sĩ Vũ khuyến cáo.
     Cô H Bak A  xúc động chia sẻ: “Tôi bị đau tức ngực, khó thở lâu nay, phải thường xuyên ngồi ngủ. Khi biết khối u kích thước quá lớn như vậy, tôi lo sợ, nghĩ rằng sẽ không qua khỏi.
     Nhưng nhờ được các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng cứu chữa, giờ Tôi cảm thấy dễ chịu, đỡ khó thở hẳn, xin cảm ơn các bác sĩ rất nhiều”.