Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng vừa cứu sống ngoạn mục nữ bệnh nhân Huỳnh T. T. (45 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Nam) đột ngột ngưng tim, ngưng thở và đối mặt với nguy cơ tử vong cao nhờ áp dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) lưu động.

Trước đó, bệnh nhân T. đang ở nhà thì đột ngột mệt, đau ngực, vả mồ hôi và khó thở. Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Thái Bình Dương (Quảng Nam) và được các bác sĩ tại đây cấp cứu và chuyển Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân được nhồi ép tim liên tục khoảng một tiếng đồng hồ trong suốt thời gian từ khi vào Bệnh viện Thái Bình Dương đến khi chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân nhập cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng tím toàn thân, không mạch, không huyết áp. Bệnh nhân được chẩn đoán ngừng tuần hoàn chưa rõ nguyên nhân nghi do viêm cơ tim/ tổn thương đa phủ tạng/ hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển. Ngay lập tức, quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt. Các bác sĩ phòng cấp cứu tiến hành hội chẩn viện với khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Gây mê hồi sức và Ngoại tim mạch, chụp mạch vành và thực hiện kỹ thuật ECMO ngay tại Phòng cấp cứu cho bệnh nhân.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - chống độc, điều trị tích cực bằng thuốc an thần, thở máy qua nội khí quản, lọc máu liên tục… Trong quá trình điều trị, tình trạng bệnh nhân hết sức nặng nề và diễn biến phức tạp, nhiều biến chứng, bệnh nhân rối loạn đông máu nặng, tổn thương đa cơ quan, nhiều nguy cơ tử vong.
Nhờ được các bác sĩ tận tình cứu chữa, hồi sức tích cực, sau hơn 1 tháng, tình trạng sức khỏe bệnh nhân mới ổn định rõ rệt. Hiện, bệnh nhân tự thở tốt, giao tiếp được và đã xuất viện.
Bác sĩ CKII Hà Sơn Bình, trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trường hợp bệnh nhân T. là ca bệnh đặc biệt được cứu sống một cách ngoạn mục, như một kỳ tích đối với người bệnh cũng như những bác sĩ tham gia điều trị. Bệnh nhân đã được các bác sĩ dồn nhiều trí lực, nỗ lực cứu sống hơn 1 tháng bằng tất cả các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại và sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều chuyên khoa.
“Bình thường kỹ thuật ECMO được tiến hành tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Tuy nhiên, đối với trường hợp người bệnh này rất khẩn cấp, không thể chờ người bệnh chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - chống độc mới thực hiện kỹ thuật ECMO được. Vì thế, bắt buộc phải di chuyển cả ekip thực hiện kỹ thuật ECMO (con người, trang thiết bị, máy móc,…) đến tại phòng cấp cứu để thực hiện. Nhờ vậy đã giúp điều trị kịp thời và giữ lại sự sống cho bệnh nhân. Trong thời gian tới, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ tiến tới việc thực hiện kỹ thuật ECMO ngoài Bệnh viện Đà Nẵng, tại những bệnh viện lân cận trong nhiều trường hợp khẩn cấp”, bác sĩ Bình nhấn mạnh.